Latest News

Author: news 8/23/2021 5:10:30 PM

Nguồn gốc người Thái tại Việt Nam

 
Người Thái có một số phận lịch sử đầy thăng trầm và cũng thú vị bậc nhất trong dòng chảy lịch sử nhân loại. Từ một quốc gia nhỏ bé ở miền núi phía Nam Trung Quốc, người Thái đã lan tỏa và chiếm lĩnh cả vùng đất Đông Dương màu mỡ. Dưới đây là tóm lược lịch sử nguồn gốc người Thái tại Việt Nam.
 

1. Người Thái là ai?

 
Người Thái, hay còn gọi là người Xiêm. Đây là dân tộc chiếm đa số sống tại lãnh thổ Thái Lan và một số thiểu số ở Lào, Việt Nam, Myanmar, Ấn Độ và khu vực miền nam Trung Quốc.
Những nhà nghiên cứu lịch sử như Trần Ngọc Thêm, Nguyễn Đình Khoa, Hà Văn Tấn chia chủng Nam Á thành 4 nhóm riêng biệt như sau: nhóm Môn-Khơ Me, nhóm Việt-Mường, nhóm Tày-Thái và nhóm Mèo-Dao và nhóm Nam Đảo (Chăm, Gia Rai, Ê đê). Vậy nhóm Tày- Thái có chung nguồn gốc.
 

2. Nguồn gốc dân tộc Thái

Tranh cổ khắc họa cuộc sống của Vương Quốc Nam Chiếu xưa

 
Dựa trên các chứng cứ về di truyền, Jerold A. Edmondson cho rằng tổ tiên của các cư dân nói ngôn ngữ Tai-Kadai di cư từ Ấn Độ tới Myanmar, rồi sau đó tới Vân Nam (Trung Quốc) khoảng 20.000 - 30.000 năm trước. Từ đó họ đến đông bắc Thái Lan và sau đó di cư dọc vùng duyên hải Hoa Nam lên phía bắc đến cửa sông Trường Giang, gần Thượng Hải khoảng 8-10.000 năm trước. Vào thời kỳ vương quốc Nam Chiếu và Đại Lý tồn tại từ TK 8 đến TK 13, cũng như sau đó, họ từ đó chiếm lĩnh Thái Lan và Lào. Tuy nhiên, những chứng cứ trên của ông bị bác vì nó chưa đúng do không có người Thái di cư ngược sang sông Trường Giang.
 
Theo David Wyatt, trong cuốn "Thailand: A short history (Thái Lan: Lịch sử Tóm lược)", người Thái xuất xứ từ phía nam Trung Quốc, có cùng nguồn gốc với các nhóm dân ít người bây giờ như Choang, Tày, Nùng. Dưới sức ép của người Hán và người Việt ở phía bắc và phía đông, người Thái dần di cư về phía nam và tây nam. Người Thái di cư đến Việt Nam trong thời gian từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII. Trung tâm của họ khi đó là Điện Biên Phủ (Mường Thanh). Từ đây, họ tỏa đi khắp nơi ở Đông Nam Á cùng 1 lúc bây giờ như Lào, Thái Lan, bang Shan ở Miến Điện và một số vùng ở đông bắc Ấn Độ cũng như nam Vân Nam. Giả thuyết này được ủng hộ nhiều hơn trong giới sử học.
 

3. Người Thái lan tỏa khắp Đông Nam Á như thế nào?

Người Thái thường làm lính đánh thuê trong quân đội Khmer

 
Nằm ở các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây , Tây Âu là vương quốc của người Tày và người Thái cổ (Tổ tiên của người Thái ngày nay). Chính ở nơi này, Thục Phán đã liên minh các bộ lạc lại trước khi thôn tính nước Văn Lang. Thục Phán sau này lên ngôi vua ở Cổ Loa, Đông Anh, lấy hiệu là An Dương Vương.
Khi Tây Âu và Âu Lạc bị Triệu Đà thôn tính, tất cả người Thái cổ ở lại vùng núi Đông Bắc đều trở thành nhóm thiểu số Tày ở Việt Nam. Còn những người Thái cổ khác, họ chạy trốn lên Vân Nam và đến thế kỷ thứ 8 họ cùng nhau lập nên Vương Quốc Nam Chiếu rồi sau đó trở thành nước Đại Lý, lấy Phật Giáo Mật Tông làm Quốc Giáo.
Theo các văn bản lịch sử Thái tìm được ở Việt Nam thì có ba đợt di dân quan trọng của dân cư Thái ở Vân Nam vào Tây Bắc Việt Nam. Đó là thời kỳ mà Vương quốc Nam Chiếu bị Đại Lý thôn tính vào thế kỷ 9 và đến lượt Đai Lý bị hủy diệt bởi quân Mông cổ của Hốt Tất Liệt (Kubilai Khan), cháu nội của Thành Các Tư Hãn (Gengis Khan) vào thế kỷ 11. Chính chiến tranh là biến cố khiến người Thái lan tỏa khắp Đông Dương như ngày nay.
Người Thái có tập quán định cư gần nguồn nước, ở thung lũng có nhiều sông suối hoặc các con sông lớn. Do đó cư dân Thái cổ chia ra nhiều nhóm: nhóm Thái ở Việt Nam, nhóm Thái ở Miến Điện (thường gọi là người Shan), nhóm Thái ở Lào và nhóm Thái ở miền bắc của Thái Lan ngày nay. Mỗi nhóm bắt đầu theo đạo của các nước mà họ được cư trú. Vì vậy nhóm người Thái ở Việt Nam không có cùng đạo với các nhóm Thái ở nơi khác.  Họ vẫn tiếp tục thờ đa thần và theo tín ngưỡng «vạn vật hữu linh ». 
 
Quý tộc người Thái xưa
 

4. Vai trò của người Thái trong lịch sử Việt Nam

 
Theo sách sử Việt Nam, vào thời Nhà Lý, man Ngưu Hống (được cho là một cộng đồng người Thái Đen) ở đạo Đà Giang, đã triều cống lần đầu tiên vào năm 1067. Trong thế kỷ XIII, người Ngưu Hống kết hợp với người Ai Lao chống lại Nhà Trần và bị đánh bại. Năm 1280, một thủ lĩnh tên Trịnh Giác Mật, được gọi là "chúa đạo Đà Giang" đầu hàng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật nhà Trần, nhưng chưa rõ thành phần dân tộc của nhân vật này. Năm 1337 lãnh tụ Xa Phần bị giết chết sau một cuộc xung đột, xứ Ngưu Hống bị sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt và đổi tên thành Mường Lễ, hay Ninh Viễn (Lai Châu ngày nay) và giao cho họ Đèo cai quản. 
Năm 1431 lãnh tụ Đèo Cát Hãn, người Thái Trắng tại Mường Lễ (tức Mường Lay, nổi lên chống triều đình, chiếm hai lộ Qui Hóa (Lào Cai) và Gia Hưng (giữa sông Mã và sông Đà), tấn công Mường Mỗi (tức Mường Muổi, Sơn La), Đèo Mạnh Vương (con của Đèo Cát Hãn) làm tri châu. Năm 1466, lãnh thổ vùng tây bắc Đại Việt, gồm những vùng đất của người Thái được tổ chức lại thành thừa tuyên Hưng Hóa, gồm 3 phủ: An Tây (tức Phục Lễ), Gia Hưng và Qui Hóa, 4 huyện và 17 châu.
Năm 1841, trước sự đe dọa của người Xiêm La, triều đình Nhà Nguyễn kết hợp ba châu Ninh Biên, Tuần Giáo và Lai Châu ở tả ngạn sông Mekong thành phủ Điện Biên. Năm 1880, phó lãnh sự Pháp là Auguste Pavie nhân danh triều đình Việt Nam phong cho Đèo Văn Trị chức tri phủ cha truyền con nối tại Điện Biên. Sau khi giúp người Pháp xác định khu vực biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc và Lào, Đèo Văn Trị được cử làm quan của đạo Lai Châu, cai quản một lãnh thổ rộng lớn từ Điện Biên Phủ đến Phong Thổ, còn gọi là xứ Thái. Tháng 3, 1948 lãnh thổ này được Pháp tổ chức lại thành Liên bang Thái tự trị, qui tụ tất cả các sắc tộc nói tiếng Thái chống lại Việt Minh.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, để lấy lòng các sắc tộc thiểu số miền Bắc, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập Khu tự trị Thái Mèo ngày 29 tháng 4 năm 1955, Khu tự trị Tày Nùng và vùng tự trị Lào Hạ Yên, nhưng tất cả các khu này đều bị giải tán năm 1975.
 
 

5. Hình thức xã hội của người Thái

 
Mường là cơ sở nồng cốt  trong cách tổ chức xã hội, chính trị và tôn giáo của người Thái. Các mường có thể nhỏ hay lớn tùy theo yếu tố kích thước và quan trọng. Nhưng lúc nào cũng có ở  trung tâm  một mường gọi là Mường Luông mà tất cả mường khác điều phải hướng về và qui phục. Tứ đại Mường lớn nhất miền Bắc Việt Nam là: Mường Thanh, Mường Lò, Mường Than và Mường Tấc.  
Mỗi  mường gồm có nhiều thôn,  mỗi thôn được quản lý bởi một hội đồng quản trị gồm các người có địa vị trong thôn (thân hào) và có từ 40 đến 50 nhà mà đôi khi có thể lên đến  100 nhà. Cũng như người Việt, dân Thái thường dựng các thôn và mường ở các vùng đất phù sa hay những vùng mà có những con sông hay các kinh thuận tiện trong việc trồng lúa nước, di chuyển và trao đổi hàng hóa với các mường khác.
 
Tài liệu tham khảo: Wikipedia

Other News

10 món quà phải mua khi đi du lịch Mai Châu

9/9/2021 4:35:29 PM
Mai Châu là mảnh đất trù phú với rất nhiều sản vật để bạn mua về làm quà. Một chút hương vị núi rừng sẽ làm cho kỷ niệm ...
KHÁM PHÁ

10 nơi nhất định bạn phải đến thăm ở Mai Châu

9/1/2021 10:11:55 AM
Dù chỉ cách Hà Nội 3 tiếng chạy xe ô tô, Mai Châu luôn bình yên và trong lành. Nơi sẽ đưa bạn ra khỏi nhịp sống hối hả của thành phố ...
KHÁM PHÁ

Nhà sàn người Thái - Nét độc đáo miền sơn cước

8/24/2021 5:13:06 PM
Đối với những người trót say mê vẻ đẹp của miền núi Tây Bắc, hình ảnh những nếp nhà sàn nằm san sát dưới triền núi chính là dấu ...
KHÁM PHÁ
Facebook
Twitter
Youtube
Instagram